Bộ GTVT đã có giải pháp tháo gỡ để đưa dự án thu phí tự động không dừng về đích trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Thu phí tự động không dừng (ETC) được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Tăng tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân, công khai, minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, phải nhiều lần lùi tiến độ.
Với sự nỗ lực của cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, đến nay cơ bản những khó khăn, vướng mắc đã và đang được giải quyết, đã có sự thống nhất đồng thuận của các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng tài trợ vốn, tiến độ dự án trong thời gian gần đây có nhiều chuyển biến khả quan. Các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số trạm cửa ngõ có lưu lượng lớn đã được lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, bước đầu tạo được sự thuận lợi cho người sử dụng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, theo tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Vinh, nguyên nhân lớn nhất khiến dự án chậm tiến độ là do gặp nhiều khó khăn trong đàm phán ký phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. “Đến nay, dù VETC đã cơ bản lắp đặt xong thiết bị tại 40 trạm, nhưng mới có 17/44 trạm ký được phụ lục hợp đồng dịch vụ.
Lợi ích là vậy nhưng ngay tại những trạm đã ký, tỷ lệ chủ phương tiện dán thẻ chỉ đạt khoảng 800.000/3,5 triệu phương tiện. Trong đó, tỷ lệ nạp tiền sử dụng dịch vụ chỉ đạt khoảng 30%. Đến nay, VETC thua lỗ nặng với tổng cộng 300 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động”, ông Vinh cho biết.
Đánh giá về những vướng mắc khi triển khai dự án, trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết, dự án thu phí không dừng có doanh thu hoàn vốn không như dự kiến. Hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng ETC nên cần ký phụ lục hợp đồng BOT đối với tất cả nhà đầu tư BOT, song tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu chậm. Việc chậm trễ dự án ngoài các nguyên nhân trên còn do hành lang pháp lý điều chỉnh việc triển khai ETC chưa hoàn chỉnh dẫn đến các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, theo Bộ GTVT còn có các nguyên nhân như các chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt nên số lượng dán thẻ E-Tag thấp khiến loại hình thu phí hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm và minh bạch này chậm tiến độ. Bên cạnh đó, nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính, chưa được tăng phí theo lộ trình tại hợp đồng. Doanh thu thực tế dự án ETC cũng không được như phương án tài chính dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư dự án. Từ đó, ảnh hưởng nguồn thu chung và tác động tiêu cực tới nguồn thu trả cho VETC.
Bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quý
Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT có phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT đề xuất các giải pháp về mặt pháp lý để tháo gỡ các “nút thắt”. Trong đó, Bộ GTVT tập trung vào đề xuất sửa đổi Quyết định 07/2017 của Thủ tướng về thu phí không dừng.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đang tập trung giải quyết các vướng mắc để tuyến Pháp Vân – Ninh Bình đưa vào vận hành khai thác trong tháng 5 này. Đối với giai đoạn 2, Tổng cục đã yêu cầu Viettel lập báo cáo tiến độ chi tiết đảm bảo hoàn thành dự án trong năm nay.
“Tổng cục sẽ thực hiện quyết liệt giải pháp phân luồng giao thông tại các trạm trên QL1 và một số trạm cửa ngõ các thành phố lớn để khuyến khích chủ phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, tăng cường hiệu quả của hệ thống. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị”, ông Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, để phát huy hiệu quả dự án, điểm quan trọng nhất sửa đổi Quyết định 07/2017 lần này là thay vì bắt buộc tất cả các làn thu phí không dừng sẽ duy trì 1 làn hỗn hợp mỗi chiều lưu thông cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông, đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.
“Để giải quyết tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, các trạm sẽ phân làn thuần thu phí không dừng, xe nào đi vào làn này sẽ bị phạt theo Nghị định 100/2019”, ông Huy nói.
Đề cập việc tháo gỡ khó khăn tài chính, ông Huy cho biết, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định: “Trong trường hợp việc trích chi phí cho dự án thu phí không dừng không đảm bảo tính khả thi theo phương án tài chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục thu phí tại một số trạm thu phí sau khi hết thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để hoàn vốn cho dự án ETC”.
Cũng theo ông Huy, Bộ GTVT đề xuất cho phép nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thoả thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí. Thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động như đã nêu trong Quyết định 07/2017. Ngoài ra, bổ sung quy định chế tài, bao gồm cả việc dừng thu phí đối với trạm BOT không thực hiện việc triển khai ETC đúng tiến độ yêu cầu. Đồng thời, đề xuất bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc phối hợp, hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến thanh toán điện tử liên ngân hàng.
“Dự thảo quy định, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quý. Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ mà tài khoản không có, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện”, ông Huy cho biết.
Cũng theo ông Huy, bước đầu triển khai, dự án giai đoạn 2 gặp khó khăn do Viettel không thành lập được doanh nghiệp dự án vì vướng quy định và liên danh các nhà đầu tư chưa thống nhất tỷ lệ góp vốn. Sau nhiều buổi làm việc, hiện nay liên danh nhà đầu tư thống nhất Viettel nắm tỉ lệ góp vốn 86% và dự kiến đầu tháng 6 sẽ thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các công việc tiếp theo, đảm bảo dự án hoàn thành tiến độ.
Khi ban hành Quyết định 07 sửa đổi sẽ điều chỉnh hợp đồng
Đề cập đến giải quyết vướng mắc ký hợp đồng giữa các bên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, hợp đồng, phụ lục hợp đồng được ký theo quy định tại Quyết định 07/2017. Tuy nhiên, những điều khoản nào trong hợp đồng chưa rõ, đang còn nhiều ý kiến, Bộ GTVT sẽ cho phép đưa vào điều khoản hợp đồng, sau khi ban hành Quyết định 07/2017 sửa đổi sẽ điều chỉnh hợp đồng.
“Bộ GTVT quyết liệt từng ngày để hoàn thiện dự thảo Quyết định 07/2017 để có những giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực. Khi được Thủ tướng ký ban hành, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ được đẩy nhanh hơn, phấn đấu hoàn thành trong năm 2020”, Thứ trưởng Thọ nói.
Đối với dự án giai đoạn 2, Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Viettel đến ngày 30/5 phải thành lập được doanh nghiệp dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, trong thời gian chờ những việc song hành như ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT, mua sắm thiết bị Tổng cục Đường bộ VN phải đôn đốc và chịu trách nhiệm về tiến độ này.
Liên quan đến thực hiện thu phí không dừng các dự án của VEC, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với VEC nghe về phương án đầu tư 4 tuyến còn lại, hình thức, nguồn vốn đầu tư để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên Trường Đại học GTVT nhìn nhận, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý, thành bại của 2 dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ xe ô tô – những người, về lý thuyết, được hưởng lợi nhiều nhất. Dù công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên nhưng số lượng chủ phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông rất thấp cho thấy họ chưa thấy được cái lợi của thu phí không dừng.
“Sự vào cuộc của Bộ GTVT là không đủ để thay đổi tình hình, đặc biệt khi xu hướng không sử dụng tiền mặt trong các hoạt động giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn rất phổ biến. Triển khai thu phí tự động không dừng là giải pháp tối ưu đã minh bạch hóa thu phí hoàn vốn BOT. Nhưng một khi các biện pháp này không nhận được sự chung tay hưởng ứng của các chủ xe, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đơn độc thì khó đạt được mục tiêu này”, ông Sùa nói.
Dự án thu phí không dừng gồm hai giai đoạn. giai đoạn 1 của dự án được triển khai tại 26 trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên do Công ty TNHH thu phí tự động VETC thực hiện từ năm 2015.Sau đó, dự án được bổ sung thêm 18 trạm nâng tổng số lên 44 trạm. Giai đoạn 2 gồm 33 trạm do Tập đoàn Viettel thực hiện. Đến nay, dự án giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành, đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm. Trong đàm phán phu lục hợp đồng giữa VETC và các nhà đầu tư BOT cũng dần tìm được tiếng nói chung. Chỉ còn 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) còn vướng.Theo Báo Giao thông